Sáng 21-4, Tổng cục Thuế tổ chức lễ công bố kích hoạt toàn quốc hệ thống hóa đơn điện tử và được trực tuyến đến 477 điểm cầu của ngành Thuế trong cả nước. Tại điểm cầu Trung ương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự. Tại điểm cầu Khánh Hòa, ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đến dự.
.JPG)
Ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh (ở giữa) và các đại biểu thực hiện nghi lễ kích hoạt hệ thống hoá đơn điện tử tại Khánh Hòa.
Tại buổi lễ, Tổng cục Thuế công bố kích hoạt hệ thống hoá đơn điện tử toàn quốc (giai đoạn 2) tại 57 tỉnh, thành phố (trong đó có tỉnh Khánh Hoà) với mục tiêu: Đến hết ngày 10-5-2022, tối thiểu 50% số lượng doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CPngày 19-10-2020 của Chính phủ quy định về hoá đơn, chứng từ; đến hết ngày 31-5-2022, chỉ tiêu này đạt 90% và đến hết ngày 30-6-2022 hoàn thành 100%…
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, việc chuyển đổi sang hóa đơn điện tử có ý nghĩa quan trọng giúp doanh nghiệp giảm các chi phí, tiết kiệm thời gian hơn so với sử dụng hóa đơn giấy; đặc biệt còn có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng cơ sở dữ liệu của chuyển đổi số không chỉ đối với cơ quan thuế mà còn đối với cả nền kinh tế, góp phần quan trọng trong xây dựng chính quyền số. Thủ tướng Chính phủ cũng biểu dương những kết quả bước đầu mà ngành Thuế đã phối hợp chặt chẽ cùng các cấp, các ngành, các địa phương, người nộp thuế để kích hoạt, đưa hệ thống hóa đơn điện tử vào hoạt động và phát huy hiệu quả. Đồng thời yêu cầu toàn ngành Thuế cần tập trung triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau: Xây dựng chiến lược chuyển đổi số trong toàn ngànhrõ ràng (nhân lực, cơ sở vật chất) bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở; thẳng thắng nhìn nhận những bất cập, sai sót trong quá trình triển khai gắn với thường xuyên lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người nộp thuế để có phương án thay đổi, chỉnh sửa phương thức thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam và thông lệ quốc tế; chú trọng việc bảo mật, đảm bảo an toàn thông tin trong quá trình thực hiện; phân cấp, phân quyền hoạt động cụ thể đi đôi với công tác giám sát, kiểm tra. Tổ chức các chương trình, sự kiện nhằm khuyến khích, tạo động lực để người nộp thuế tham gia sử dụng hoá đơn điện tử, nhất là các chương trình trao thưởng và truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng...
Theo Tổng cục Thuế, từ năm 2010, đơn vị đã đề xuất với Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định bổ sung hóa đơn điện tử vào hệ thống hóa đơn chứng từ hạch toán kế toán, tạo cơ sở pháp lý để các doanh nghiệp hiện đại hóa công tác quản trị doanh nghiệp phù hợp với sự phát triển của xã hội hiện đại. Đến nay, việc tiếp nhận và giải quyết các hồ sơ của người nộp thuế đều được thực hiện tập trung và tự động; các cơ quan thuế từ việc phải nhập dữ liệu kê khai của người nộp thuế vào hệ thống phần mềm thì nay chỉ thực hiện việc đối chiếu, kiểm soát, giám sát dữ liệu kê khai của người nộp thuế, từ đó phân tích thông tin, đưa ra các biện pháp nghiệp vụ phù hợp để quản lý thuế hiệu quả; đặc biệt, toàn ngành cũng đã hoàn tất cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật để triển khai áp dụng hệ thống hóa đơn điện tử trên toàn quốc… Riêng tại Khánh Hoà, từ đầu tháng 4-2022 đến nay, toàn tỉnh có 1.721 người nộp thuế (bằng 19,5% số doanh nghiệp đang sử dụng hoá đơn) đăng ký sử dụng hoá đơn điện tử và có 82.674 hoá đơn điện tử đã sử dụng theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP...
Tin và ảnh: LÊ XƯA
Được biết, từ ngày 21-11-2021, Tổng cục Thuế đã triển khai hệ thống hoá đơn điện tử giai đoạn 1 tại 6 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Định, Phú Thọ.
|